Đăng trong Review

Review Heart and Souls (1993)

“Promise me you will live the life that I didn’t get to live.”

Mình tới với Heart and Souls qua một sự tình cờ. Một ảnh gif của Robert Downey Jr. cắt từ trong phim ra, xinh đẹp và đầy “câu dẫn”, khiến mình nổi lên hứng thú muốn tìm hiểu về bộ phim mà nó thuộc về . Rồi để từ 1 ảnh gif, mình tới với một phim mà mình chắc rằng nó sẽ chẳng bao giờ nằm trong danh sách sẽ xem của mình, nhưng ấn tượng mà nó đọng lại có lẽ nhiều hơn những gì đã đưa mình đến với nó.

Milo, Penny, Harrison và Julia. Milo, một người đã lấy 1 tấm tem hiếm của 1 thằng nhóc 10 tuổi chỉ vì 50 cent, cố gắng lấy lại tấm tem nhưng không được. Penny – một bà mẹ đơn thân nuôi 3 người con, luôn hết mực yêu thương và quan tâm tới con của mình, hối hận vì luôn phải đi làm ca trực đêm. Harrison, luôn muốn thử giọng cho 1 nhà hát nhưng rồi lại lảng tránh vì sợ thất bại. Julia, một cô gái làm trong quán bar muốn có cuộc sống khác với người mẹ của mình, chỉ vì chần chừ mà vuột mất tình yêu của chính cô. 4 con người, 4 hoàn cảnh, 4 cuộc sống. Không ai sẽ nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ lên cùng 1 chuyến xe bus. Không ai nghĩ rằng xe bus sẽ gặp tai nạn. Không ai nghĩ rằng mình sẽ được gắn kết với 1 đứa trẻ sơ sinh cùng với nhau. Có lẽ đó chính là duyên đưa họ tới với Thomas.

Xuyên suốt bộ phim, có 3 phân cảnh để lại ấn tượng với mình nhiều nhất. Đầu tiên và cũng là điều mình thích nhất ở cả bộ phim, phân cảnh “Walk like a man”. Có ba 3 lần bài hát này vang lên, và mỗi lần đều có ý nghĩa riêng của nó. Lần đầu là lúc Thomas vẫn còn nhỏ, cậu hát cùng 4 “người bạn” của mình trong nhà vệ sinh ở trường. Hình ảnh cùng nhau hát và nhảy theo 1 bài hát của 5 người gợi mình nghĩ tới hình ảnh một gia đình tràn đầy yêu thương. Thomas yêu những người bạn của mình, chỉ cần nhìn số tranh cậu vẽ treo trên tường trong phòng ngủ cũng như 4 con búp bê hình 4 người để bên bàn cạnh giường cũng có thể hiểu họ có vai trò quan trọng thế nào trong cuộc đời của cậu. Cả 4 người họ cũng đều yêu Thomas, coi cậu giống như con trai của chính mình, và cũng chính vì vậy mà khi nghĩ rằng mình đang gây ảnh hưởng xấu đến cậu, họ đã chọn cách “biến mất” để mong cậu có một tuổi thơ “bình thường” như bao đứa trẻ khác. Lần thứ hai nó vang lên, là khi mà cả 4 người biết lý do họ còn “tồn tại” tới lúc này, và lí do tại sao họ lại gắn chặt với Thomas từ lúc cậu sinh ra. 4 người đã cùng hát bài đó với mong muốn cậu có thể nghe thấy mình, và kết quả thế nào, hẳn mọi người có thể đoán được. Bài hát giống như một sợi dây kết nối vô hình giữa 5 người, kéo dài từ khi Thomas còn là một cậu nhóc đáng yêu tới khi cậu trở thành một người đàn ông trưởng thành. Bài hát là 1 phần nguyên do 4 người biến mất, và cũng chính bài hát đó là cánh cổng giúp cả 4 người “hiện hình” lại trước mặt cậu. Lần cuối nó vang lên, là sau khi Milo hoàn thành mong ước cuối cùng trước khi siêu thoát của mình: trả lại những con tem mà mình đã ăn trộm. Có lẽ phân đoạn thực hiện điều mong ước của Milo ngắn nhất trong tất cả và có vẻ hụt nhất, nhưng khi bài hát vang lên, mình lại thấy nó thật hoàn thiện. Milo là người hát đầu tiên, luôn là vậy. Và ở lần thứ 3 này, Milo vẫn là người mở đâu, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, nhưng đây cũng là lần cuối mà Milo hát, và cũng là lần cuối bài hát vang lên. Bài hát chỉ vang lên khi cả 5 người cùng hát, và nó cũng chỉ vang lên khi Milo là người hát đầu. Một bài hát chỉ của riêng 5 người, một bài hát đầy duyên nợ, một bài hát kết nối 5 mảnh ghép lại với nhau. Thiếu đi 1 mảnh và mọi thứ đã không còn như xưa. Lần cuối nó vang lên, mình cũng không nghĩ Thomas sẽ tham gia, vì cậu vẫn còn giận họ vì đã bỏ rơi mình lúc nhỏ. Để rồi khi cậu hòa giọng theo, bật lên trong đầu mình là suy nghĩ “Dù có giận họ thế nào, có nói chối bỏ họ ra sao, tận sâu thẳm trong trái tim, cậu vẫn rất yêu thương gia đình đó của mình.” Và có lẽ sau này nếu có nghe lại Walk like a man, mình đoán rằng Thomas cũng sẽ chẳng bao giờ quên đi được “gia đình nhỏ” đó, quên đi được những kỷ niệm dù đầy khó hiểu và bối rồi nhưng cũng tràn ngập yêu thương mà cậu đã trải qua.

Phân đoạn thứ hai là lúc Harrison hát Quốc ca Mỹ trong buổi hòa nhạc. Một chi tiết mình thấy rất thú vị là ở lần đầu và lần cuối khi 5 người hát Walk like a man, người mà nhảy ít nhất và hát ít nhất lại là Harrison. Giống như tới tận lúc này, dù trải qua bao nhiêu năm, sự nhút nhát của việc hát trước mặt nhiều người vẫn là cản trở lớn nhất mà Harrison đối mặt. Và chính những chi tiết nhỏ đó mà tới lúc ông đứng trước khán phòng và cất tiếng hát, mình lại thấy nó mang đến nhiều ý nghĩa tới vậy. Cuối cùng thì Harrison cũng đặt niềm tin vào bản thân mình, cũng đủ tự tin để đứng trước mặt cả một khán phòng tràn ngập khán giả để cất lên tiếng hát của mình, điều mà trước đó ông chẳng thể làm được trước mặt 2 vị ban giám khảo 2 lần đi thử giọng, và cũng chẳng có một cơ hội nào khác nữa. Có lẽ mình đồng cảm với Harrison nhiều tới vậy, một phần vì chính mình cũng đã từng như vậy. Luôn tự ti, không thể đứng trước đông người để cất lên tiếng nói của chính mình. Một thời cấp 3 của mình trôi qua mà gần như không một lần nào mình đứng lên thuyết trình trong những bài thuyết trình nhóm vì luôn bị bóng ma thất bại chắn trước mặt cùng ý nghĩ mình không đủ giỏi để nói. Và rồi khi lên Đại học, kì học đầu tiên đi cùng những ngày tháng gần như ngày nào mình cũng lên thuyết trình, để rồi giờ mình có đủ dũng cảm để đứng trước đông người thuyết trình hay làm biên dịch viên, và làm điều mà mình đã luôn sợ hãi – hát trước một đám đông. Không phải mình không còn sợ, mình vẫn sợ lắm chứ, nên lần nào trước khi nói đều sẽ bị panic attack, nhưng giờ mình có đủ tự tin và niềm tin vào bản thân để cất lên giọng nói của chính mình.

Phân cảnh cuối cùng cũng là cảnh làm mình suy nghĩ nhiều nhất – phân cảnh của Julia. Julia là người cuối cùng thực hiện mong ước của mình. Cô muốn gửi một lá thư tới người đàn ông mà cô đã không thể đồng ý lời yêu, người mà cô đã không đuổi theo khi có cơ hội, người mà cô đã vuột mất mãi mãi. Mọi chuyện đáng ra có thể diễn ra suôn sẻ, nhưng rồi hiện thực ập tới với cô và Thomas: người đó đã mất cách đây được 7 năm rồi, ông ấy mất khi luôn cảm thấy hối tiếc điều gì đó. Khi mọi chuyện đang suôn sẻ với những người khác, mình đã nghĩ ai rồi cũng sẽ nhận được “happy ending” mà họ hài lòng nhất, nhưng không phải với Julia. Cô đã đánh mất tình yêu của đời mình một lần, và rồi khi có cơ hội thứ hai để gửi lời cuối tới người đó, cô cũng không thể thực hiện được nữa. Nhưng khi cô nói chuyện này mang một ý nghĩa khác, là về Thomas và Anne, mình cũng đã hiểu ra điều mà Julia đang nghĩ đến. Lúc gặp Anne, chính Julia cũng nói Anne chính là “the one” với Thomas, và giờ đây mọi thứ giữa cả 2 đang ngày càng đổ vỡ và có vẻ như khó để hàn lại nữa, nó giống hệt như câu chuyện của chính Julia. “Hứa với tôi rằng cậu sẽ sống một cuộc sống mà tôi không có cơ hội được sống.” Lời nhắn cuối cùng của Julia gửi tới Thomas cũng là thông điệp ẩn cuối cùng mà bộ phim muốn đem lại. Có lúc khi chúng ta đang sống, những cơ hội, những mối quan hệ đáng ra chúng ta nên trân trọng nhưng lại bị gạt đi, để rồi khi nhìn lại, đọng lại sau cùng lại là sự hối hận vô hạn mà không có gì ta có thể làm để lấy lại chúng. Và rồi đi cùng những kí ức đó luôn là hai chữ “Nếu như…, Nếu như.., Nếu như.” Chúng ta không có cơ hội thứ hai với tất cả những gì tới với mình, nên hãy biết quý trọng và suy nghĩ kỹ càng trước khi làm một điều gì đó ngu ngốc mà gây xáo trộn những điều tốt đẹp đó.

Khả năng diễn xuất của Robert trong phim rất xuất sắc, so với một bộ phim vào năm 1993. Mình không định nói nhiều về việc đó, vì với mình diễn xuất của Robert từ trước tới nay đều rất tuyệt, và đó cũng là một điều mình thích ở chú. Ánh mắt tràn đầy màu sắc và cảm xúc của từng “nhân vật” mà chú đóng luôn là điểm nhấn khiến mình ngày càng yêu một Robert Downey Jr., và với Heart and Souls cũng không ngoại lệ. Ánh mắt của chú cho thấy sự thay đổi của từng cung bậc cảm xúc của Thomas, biến đổi cậu từ một nhân viên ngân hàng kiêu ngạo, luôn đứng trong vòng an toàn của mình, dần tràn ngập yêu thương trở lại trong lúc ở cùng 4 người, đưa cậu trở về với chính con người thật của mình mà cậu đã chôn giấu.

Kịch bản của Heart and Soul không hẳn là xuất sắc, nội dung không hẳn là trọn vẹn vì có quá nhiều thứ diễn ra, nhưng khi nhìn lại tổng thể, nó vẫn là một bộ phim khá trọn vẹn, xứng đáng với những lời khen lúc bấy giờ mà nó được nhận. Nếu bạn còn chần chừ việc có nên bật nó lên và thưởng thức hay không, thì lời khuyên của mình là CÓ. Hãy để tâm hồn của bạn được hòa với những gì mà bộ phim đem lại.

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Review Heart and Souls (1993)

Bình luận về bài viết này